Điểm mặt 5 lý do CV xin việc khiến bạn bị từ chối phỏng vấn

Thông thường, nhà tuyển dụng dành chỉ khoảng 6 giây để lướt qua một CV. Đây cũng là 6 giây quyết định bạn có được đi tiếp đến vòng phỏng vấn hay không. Để tình huống xấu không xảy ra, cùng điểm mặt 5 lỗi thường gặp khi tạo CV xin việc khiến bạn bị từ chối cơ hội phỏng vấn. Ở đây chúng tôi tập trung vào việc viết CV của các bạn trong ngành IT nhưng những ngành khác cũng có thể tham khảo

Lý do 1: Phần “Giới thiệu” nhạt nhòa

Ấn tượng ban đầu rất quan trọng. Nếu bắt đầu với 1 phần giới thiệu sáo rỗng sẽ không chứng minh được với nhà tuyển dụng CV của bạn nổi bật và giá trị.

Rất nhiều ứng viên mắc lỗi khi lặp lại những thông tin không cần thiết như: Ngày tháng năm sinh, quê quán, email… Nhưng thực chất, điều mà nhà tuyển dụng quan tâm trong phần này chính là: Bạn có những trình độ và kỹ năng phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không? Tránh đưa những thông tin “dư thừa” mà hãy tập trung vào những thông tin chất lượng.

Bạn nên đưa vào những thông tin biết nói, ví dụ như các đường dẫn GitHub và Linkedin, đặc biệt là Github nếu bạn là Software Engineer. Đây là 2 nguồn tham khảo giá trị cho nhà tuyển dụng. Bạn nên cập nhật các thông tin trên 2 nguồn này cho kỹ càng. Chú ý phần Readme cho các Repository và các thông tin cập nhật mới nhất cho Linkedin profile. Ngoài ra các website, bài báo.. liên quan đến bạn cũng nên đưa vào nếu có

Lý do 2: Hình cá nhân và thiết kế CV không phù hợp

Nhiều ứng viên thường ít để ý đến tiểu tiết này và thường chỉ tập trung trau chuốt cho những nội dung bên trong CV. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng sẽ có cái nhìn toàn diện hơn bạn nghĩ. 1 CV xin việc không đính kèm hình ảnh cá nhân hay upload 1 hình không phù hợp là điều bạn nên tránh.

Hãy đầu tư 1 hình ảnh tươi tắn, trong bộ trang phục lịch sự và lấy chính diện khuôn mặt là lời khuyên dành cho bạn.

Ngoài ra, nhiều bạn dùng các đánh giá kỹ năng bằng cách thang điểm. Bạn sẽ thấy rất nhiều ở những công cụ tạo CV trực tuyến. Tuy nhiên nhiều HR cho biết họ rất dị ứng với dạng đánh giá này vì không biết bạn đang ở level nào. Vì vậy bạn chỉ nên cho biết kỹ năng đó của bạn thuộc mức độ nào dưới đây

  • Familiar: biết nhưng không sâu, ít áp dụng
  • Proficient: thành thạo, ứng dụng nhiều trong thực tế

Lý do 3: Không viết CV bằng tiếng Anh

Nếu bạn đang ứng tuyển 1 vị trí đòi hỏi kỹ năng ngoại ngữ hoặc CV tiếng Anh theo yêu cầu từ nhà tuyển dụng nhưng lại gửi đi 1 CV tiếng Việt sẽ là lỗi rất lớn. Phần lớn, các công ty tuyển dụng trong ngành IT thường khuyên ứng viên rằng, tiếng Anh là một trong những kĩ năng quan trọng mà họ tìm kiếm.

Vì vậy, thay vì khẳng định những câu sáo rỗng đại loại như “tiếng Anh tôi rất tốt” thì bạn nên chứng minh điều này bằng cách viết 1 CV tiếng Anh thật “chất”. Đối với dân kỹ thuật, viết CV tiếng Anh nhiều khi còn dễ hơn tiếng Việt ấy chứ

Lý do 4: Đưa vào CV những thông tin không liên quan

Với độ dài giới hạn chỉ trong khoảng 2 – 3 trang A4 (nhiều nhà tuyển dụng khuyên CV chỉ nên gói gọn trong 1 trang A4), việc chất lọc thông tin là điều cực kỳ quan trọng. 1 CV dài không nói lên được điều gì, thậm chí nhà tuyển dụng còn đánh giá thấp rằng bạn là 1 người ôm đồm.

Mặc dù là 1 ứng viên có nhiều bằng cấp và kinh nghiệm đầy mình nhưng lời khuyên dành cho bạn là hãy nêu những gì liên quan đến công việc ứng tuyển, những thành tích bạn đã đạt được…

Lý do 5: Trình bày mơ hồ và thiếu khoa học

Nếu trong CV của bạn viết rằng:

Từ năm 2010 – 2013: Vị trí Senior Developer – Công ty ITGuru

Tôi đảm nhận những công việc khó khăn từ các dự án lớn và đạt được những thành tích tốt.

Từ năm 2013 – 2016: Vị trí Leader – Công ty GuruIT

Tôi đảm nhận những công việc khó khăn và thường hỗ trợ các thành viên khác đạt được những mục tiêu đề ra.”

Có thể thấy vấn đề rất lớn là bạn chỉ nói những câu chung chung, thiếu dẫn chứng chính xác. Nhà tuyển dụng sẽ đặt nghi vấn:

  • Bạn thực hiện những dự án gì?
  • Thành tích ra sao?
  • Bạn hỗ trợ các thành viên khác như thế nào?…

Vì vậy:

  • Hãy trình bày theo thứ tự từ những kinh nghiệm mới nhất, cho đến cũ hơn.
  • Chỉ đề cập những kinh nghiệm liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển.
  • Hãy đưa ra dẫn chứng để tạo được sự tin tưởng ở nhà tuyển dụng. Sử dụng con số để chứng minh là tốt nhất