Dấu hiệu giúp nhà tuyển dụng phát hiện ứng viên nói dối trong cuộc phỏng vấn

Phỏng vấn là cơ hội cho cả nhà tuyển dụng đánh giá xem ứng viên có phù hợp với công việc hay không. Hầu hết ứng viên cố gắng chuẩn bị để thể hiện bản thân, trong khi một số lại lựa chọn nói dối về kinh nghiệm, năng lực. Vậy đâu là dấu hiệu giúp nhà tuyển dụng phát hiện ứng viên nói dối trong cuộc phỏng vấn?

Công việc của các nhà tuyển dụng rất bận rộn. Họ phải nỗ lực lấp đầy các vị trí còn trống bằng cách đăng tin tuyển dụng, chọn lọc vô số hồ sơ xin việc và sắp xếp nhiều cuộc phỏng vấn để ra quyết định cuối cùng. Vì thời gian có hạn, rất khó để nhà tuyển dụng tìm hiểu sâu về ứng viên.

Trong khi nhiều người trung thực với các thông tin trên CV và thông tin đề cập tới trong phỏng vấn, vẫn có trường hợp ứng viên nói dối, nói quá lên về thành tích, kỹ năng, kinh nghiệm và trình độ. Nếu nhà tuyển dụng không tỉnh táo và thuê phải họ, hậu quả có thể là thảm họa.

Việc thay thế một nhân viên, ngay cả khi họ chỉ được nhận trong một khoảng thời gian ngắn đều rất tốn thời gian và tốn kém. Vì vậy, khi bạn có cuộc phỏng vấn với một ứng viên có vẻ quá tốt, hãy lưu ý những dấu hiệu sau để phát hiện họ có nói dối hay phóng đại hay không.

Dấu hiệu phát hiện ứng viên nói dối trong cuộc phỏng vấn

1. Câu trả lời của ứng viên mơ hồ hoặc không liên quan

Có lẽ bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng gặp tình trạng khi đặt câu hỏi phỏng vấn cho ứng viên và họ trả lời bằng một câu trả lời không liên quan hoặc không chính xác. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy ứng viên không chuẩn bị đầy đủ cho cuộc phỏng vấn hoặc tệ hơn là họ không nói ra toàn bộ sự thật.

Tammy Cohen, người sáng lập và giám đốc của công ty sàng lọc lý lịch InfoMart (Mỹ) cho biết, những câu trả lời mơ hồ và không đầy đủ cho các câu hỏi trong cuộc phỏng vấn là một dấu hiệu cảnh báo về việc phóng đại hoặc nói dối của ứng viên. Một ứng viên tự nhận có năng lực xuất sắc nhưng khi nói về vấn đề chuyên môn lại không hề đề cập tới thuật ngữ hoặc quy trình, số liệu nào thì rất có thể họ đang không nói thật.

Khi gặp tình huống này, các nhà tuyển dụng nên tạm im lặng để tạo cơ hội cho ứng viên tiếp tục giải thích vì biết đâu họ chỉ đang lo lắng. Thái độ im lặng của bạn lúc đầu có thể gây khó xử cho cả hai bên nhưng phương pháp này có nhiều khả năng tạo ra phản ứng cá nhân hơn nhiều so với việc ngay lập tức chuyển sang câu hỏi tiếp theo.

2. Ngôn ngữ cơ thể của ứng viên thể hiện sự lo lắng hoặc không chân thực

Bạn có thể xem trên các chương trình truyền hình hoặc những bộ phim điện ảnh về việc làm sao để phát hiện đối phương nói dối. Là một nhà tuyển dụng, bạn không cần theo học các chương trình đào tạo tâm lý học để phát hiện ứng viên có nói dối hay không. Tất cả những gì bạn cần là rèn luyện khả năng quan sát.

Khi nói dối, ứng viên có thể liên tục giải thích, đảo mắt/chớp mắt nhiều lần hoặc tránh giao tiếp bằng mắt trong những câu hỏi quan trọng. Mặc dù vậy, hãy ghi nhớ rằng đây cũng có thể đơn giản là những dấu hiệu cho thấy một ứng viên đang lo lắng, vì vậy nhận định của bạn phải dựa trên bối cảnh. Nhà tuyển dụng có thể kết hợp với các dấu hiệu khác để đánh giá đúng hơn về ứng viên.

3. Thành tích của ứng viên dựa dẫm quá nhiều vào thành tích nhóm

Rõ ràng sự hợp tác là điều cần thiết đối với hầu hết các công việc nhưng là một nhà tuyển dụng, bạn hãy cẩn thận với ứng viên chỉ nói về thành tích của họ như là một phần của nhóm. Điều đó có thể gợi ý rằng họ không phải là một cá nhân xuất sắc như bạn muốn.

Các đại từ nhân xưng như “tôi” và “của tôi” phản ánh những trải nghiệm trực tiếp, thay vì sử dụng “nhóm chúng tôi” – cụm từ thể hiện ứng viên đang vay mượn thành tích tập thể hoặc thậm chí là thành tích của đồng nghiệp cũ. Ứng viên có thể chỉ muốn dùng thành tích của nhóm để nghe có vẻ ấn tượng và làm thay đổi quan điểm của người phỏng vấn mà không muốn đào sâu hơn. Để làm rõ họ có nói dối hay không, nhà tuyển dụng có thể hỏi về vai trò cụ thể hoặc yêu cầu họ nói về nhiệm vụ họ phụ trách.

4. Ứng viên có thái độ đề phòng

Thỉnh thoảng, một ứng viên sẽ có phản ứng hoặc thái độ đề phòng nếu họ nói dối nhà tuyển dụng, đặc biệt là khi người phỏng vấn đặt câu hỏi thăm dò vào lý lịch của họ. Mặc dù đã nộp CV và thư xin việc nêu chi tiết về kinh nghiệm, ứng viên vẫn rất cảnh giác khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi về khoảng cách công việc hoặc trải nghiệm, tệ hơn là họ bị bất ngờ vì chính những gì họ đã viết.

Dấu hiệu này đòi hỏi nhà tuyển dụng phải dành thời gian đọc kỹ CV từ trước cũng như cân nhắc xác minh với người tham vấn thông tin của ứng viên. Ngoài ra, kinh nghiệm cũng rất quan trọng trong việc nhìn ra thái độ và cách phản ứng của ứng viên.

5. Kỹ năng của ứng viên không vượt qua bài kiểm tra đánh giá

Một trong những điều phổ biến nhất mà các ứng viên nói dối hoặc phóng đại là kinh nghiệm làm việc hoặc một kỹ năng nhất định. May mắn thay, có những cách tương đối dễ để đánh giá năng lực của họ.

Các ứng cử viên có xu hướng phóng đại về các kỹ năng máy tính chẳng hạn một người có thể nói rằng họ rất giỏi Excel hay Photoshop. Cách đơn giản mà nhà tuyển dụng có thể sử dụng là đề nghị họ nói về điều phức tạp/nhiệm vụ khó khăn nhất họ từng làm với công cụ đó. Ngoài ra, bạn có thể giao cho họ bài kiểm tra để kiểm tra thao tác và trình độ.