Một trong những cách nhanh chóng và đơn giản để cải thiện cả tốc độ và chất lượng của hoạt động thuê nhân sự đó là sử dụng những hồ sơ trên LinkedIn để thực hiện việc sàng lọc ứng viên ban đầu của bạn. Chúng thể hiện sự vượt trội của mình ở giai đoạn đánh giá đầu tiên này nhờ vào khả năng có thể dễ dàng được cập nhật, độ chính xác cao và định dạng thống nhất làm cho việc so sánh song song giữa các ứng viên trở nên dễ dàng hơn. Bằng việc dựa vào những hồ sơ trên LinkedIn, bạn hoàn toàn có thể thực hiện việc sàng lọc những ứng viên tiềm năng một cách nhanh chóng hơn với ít lỗi sàng lọc mắc phải hơn. Hiện nay, rất nhiều công ty đang dần hướng tới sự thay đổi này, nhưng nếu như bạn vẫn chưa… thì dưới đây là Top 5 lý do khiến cho hồ sơ trên Linkedin vượt trội hơn hẳn so với sơ yếu lý lịch (résumé) cho việc sàng lọc ban đầu của bạn.
1. Bạn không cần phải chờ đợi để một bản sơ yếu lý lịch được cập nhật — Điều này đặc biệt được thấy rõ khi trọng tâm của việc tuyển dụng ở thời điểm hiện tại của công ty là tuyển những người đã có việc làm (còn được gọi là những ứng viên thụ động, những người đang không chủ động đi tìm việc). Một trong những vấn đề gây ra sự chậm trễ trong quá trình tuyển dụng đó là việc nhà tuyển dụng phải chờ đợi những ứng viên tiềm năng của mình cập nhật và gửi sơ yếu lý lịch. Tuy nhiên, thật may mắn là hồ sơ trên LinkedIn thường có khả năng cập nhật tốt hơn đáng kể so với sơ yếu lý lịch (một phần là vì LinkedIn thường xuyên thôi thúc người dùng cập nhật hồ sơ của mình theo một quy trình được hướng dẫn cụ thể). Ngoài ra, một lý do khác khiến cho những hồ sơ trên LinkedIn của những ứng viên tiềm năng có nhiều khả năng được cập nhật hơn đó là vì chúng còn được sử dụng trong phạm vi, bối cảnh chuyên nghiệp khác ngoài tìm kiếm việc làm. Những người đã có việc làm có thể sẽ do dự hơn trong việc cập nhật sơ yếu lý lịch của họ vì cá nhân họ có thể cho rằng đây là một hành động thiếu sự trung thành, và nếu như sếp của họ phát hiện ra, việc nộp hồ sơ chính thức sẽ khiến cho công việc hiện tại của họ gặp phải những rủi ro không cần thiết. Cuối cùng, không giống như sơ yếu lý lịch, bạn không cần phải có sự cho phép của những ứng viên tiềm năng để tìm ra và xem hồ sơ LinkedIn của họ.
2. Những thông tin được cung cấp có độ chính xác cao — Tất cả những người đã từng nghiên cứu về sơ yếu lý lịch đều cùng đồng ý với quan điểm rằng độ chính xác của sơ yếu lý lịch là một trong những hạn chế lớn nhất thường gặp phải của nó. Trên thực tế, trung bình có 53% thông tin được cho là khai không đúng với sự thật (Những người thường mắc phải lỗi đó là sinh viên, khi mà 90% trong số họ thừa nhận đã nói dối trong sơ yếu lý lịch của mình). Ngược lại, không giống như sơ yếu lý lịch, những hồ sơ trên LinkedIn có thể chính xác hơn một cách đáng kể bởi chúng thường xuyên được xem bởi rất nhiều các doanh nhân khác nhau. Để tránh gặp phải tình huống lúng túng trước cái nhìn của những người đồng nghiệp, ứng viên sẽ buộc phải đảm bảo độ chính xác cho hồ sơ LinkedIn của mình.
3. Việc so sánh song song giữa những ứng viên khác nhau được thực hiện một cách dễ dàng hơn — Trên toàn thế giới hiện nay không có một định dạng chuẩn nào dành cho sơ yếu lý lịch. Điều đó có nghĩa là định dạng, trật tự hay những nội dung được trình bày trong sơ yếu lý lịch giữa các ứng viên cũng sẽ khác nhau đáng kể. Ngược lại, tất cả những hồ sơ trên LinkedIn đều tuân theo một mẫu định dạng và trật tự chung, do vậy mà việc so sánh song song sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn. Và bởi vì phần lớn nội dung của hồ sơ được quy định bởi LinkedIn nên nhiều khả năng cùng một thông tin sẽ xuất hiện trong hồ sơ của những ứng viên đáp ứng đủ điều kiện cho một công việc cụ thể. Ngoài ra, đa số những ứng viên chuyên nghiệp đều có hồ sơ trên LinkedIn (mặc dù vẫn có một số ứng viên ngoại lệ sẽ có hồ sơ “ma”) nên việc so sánh cũng có thể được thực hiện trong cùng một khoảng thời gian. Trong khi đó, việc so sánh sơ yếu lý lịch của những ứng viên khác nhau sẽ chỉ được thực hiện từng chút một ở những thời điểm khác nhau.
4. Bạn có thể tránh được hầu hết các thông tin không liên quan đến công việc — Chính bởi vì lý do những sơ yếu lý lịch được chấp nhận có nhiều điểm khác nhau nên có thể chúng sẽ bao gồm rất nhiều các thông tin không liên quan đến công việc. Ngược lại, LinkedIn không cho phép người dùng cung cấp những thông tin về nhân khẩu học và thông tin cá nhân khác mà có thể dẫn tới sự thành kiến hay thiên vị như: tuổi tác, giới tính, tình trạng hôn nhân, gia đình, sở thích, tôn giáo,… Những thông tin này không có trong một hồ sơ LinkedIn (ngoại trừ hình ảnh), vì thế người xem sẽ không có khả năng sử dụng những thông tin không liên quan đến công việc để đưa ra quyết định lựa chọn ứng viên. Bên cạnh đó, những hồ sơ trên LinkedIn còn cung cấp thông tin bổ sung hỗ trợ cho việc đánh giá như sự sẵn lòng của ứng viên khi tiếp nhận các cơ hội việc làm, những lời nhận xét của mọi người xung quanh về ứng viên cũng như là những nhóm mà ứng viên đang tham gia. Hồ sơ cũng sẽ không bao gồm thư xin việc – thứ mà có thể làm chậm lại quá trình đánh giá của công ty.
5. Bạn sẽ không còn phải lo ngại về vấn đề an ninh mạng — Những bản sơ yếu lý lịch thường được gửi dưới dạng tập tin đính kèm với email, điều này có thể khiến cho công ty khi nhận chúng sẽ gặp các vấn đề với virus và phần mềm độc hại. May mắn thay, chưa có vấn đề về an ninh mạng nào được báo cáo khi truy cập vào hồ sơ LinkedIn.
Lời kết
Bởi vì rất nhiều những hạn chế của sơ yếu lý lịch, các chuyên gia trong lĩnh vực thu hút nhân tài (Talent Acquistion) dự đoán về sự lụi tàn của nó từ rất nhiều năm qua. Thế nhưng bản thân tôi lại không cho rằng sự chấm dứt của nó sẽ đến sớm bởi lý do đơn giản là các chuyên viên và trưởng phòng tuyển dụng vẫn sẽ còn có nhu cầu xem sơ yếu lý lịch của ứng viên. Nói một cách đơn giản, sơ yếu lý lịch là “đơn vị tiền tệ của tuyển dụng”. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng những thiếu sót của sơ yếu lý lịch là có thật. Do vậy, việc sử dụng sơ yếu lý lịch nên được lùi lại cho đến khi vòng đầu tiên của bước sàng lọc ứng viên và những người có triển vọng được hoàn thành. Và thậm chí kể cả ngay sau đó, bạn vẫn nên sử dụng những hồ sơ trên LinkedIn để tìm ra bất kỳ sự không nhất quán nào có trong nội dung bản sơ yếu lý lịch của ứng viên. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra rằng những hồ sơ trên LinkedIn có thể đẩy nhanh tốc độ của quá trình tuyển dụng của bạn lên tới 20% và khiến cho việc so sánh song song giữa những ứng viên khác nhau trở nên dễ dàng hơn tới 75%.
Lược dịch by Thu Hà, TRAMTUYEN